Trong sự nghiệp viết báo phủi, người mình hay phỏng vấn nhất có lẽ là nhạc sỹ Phó Đức Phương. Cứ có sự kiện gì liên quan đến âm nhạc là mình cưỡi quả Cup 81 kim vàng giọt lệ đến trụ sở Hội Nhạc sỹ Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, gãi đầu nói chú cho cháu hỏi vài câu, rồi vừa ngồi uống chè chát vừa làm bộ mặt nghiêm trọng trăn trở những vấn đề mang tính sống còn của nên âm nhạc đương đại nước nhà.
Thật ra không phải nhạc sỹ hot quá mà vì ông rất cởi mở với anh em báo chí. Nhiều khi không cần phải có sự kiện gì, chỉ cần bí bí đề tài hoặc thiếu tiền ăn cơm bụi thì nhân vật đầu tiên mình nghĩ tới là Phó Đức Phương. Dạo đó ông đang làm giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (nôm na là đứng ra thu hộ tiền bản quyền cho các nhạc sỹ).
Mình biết ông dễ tính nên thi thoảng khi viết bài vẫn tự động thêm thắt một số ý cho bài dài dài ra để đong thêm vài chục nhuận bút (nói kiểu kiểu bây giờ là “nhét chữ vào mồm người khác” đấy).
Bài lên báo, đưa cho ông xem, ông đeo quả mục kỉnh vào thẩm qua rồi gật gù “được được”. Mình nghe quen rồi nên không thấy sướng lắm, hoặc cũng biết thừa ông khen xã giao cho vui thôi, chứ trình độ mình còn chưa phân biệt nổi nốt mi với nốt son thì biết khỉ gì nhạc nhẽo mà ăn theo nói leo!
Nhớ có lần đến mà ông đang bận họp, mình lẻn ra vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, ngay trước cổng Hội Nhạc sỹ đá bát bún của chị hàng rong cho đỡ đói. Mới đầu thu, cuối trời mây trắng bay, lá vàng thưa thớt quá. Phải chăng lá về rừng?…
Đang vừa ăn vừa miên man với những cảm xúc rất đỗi dịu dàng thì như một tia chớp, phía xa xa có một quả xe Su cóc của đội trật tự phường đang phi tới. Trên xe 3 -4 anh mặc áo xanh nhảy xuống.
Nhanh như cắt, chị hàng rong đứng vụt lên giằng lấy cái ghế nhựa mình đang ngồi, nói “Chú cứ ăn đi nha, cho chị xin cái ghế” rồi chất cả lên gánh cong đít chạy thục mạng vào con ngõ gần đó, bỏ lại mình đứng chơ vơ trên vỉa hè với bát bún ăn dở trên tay…
Sau này về quê, thi thoảng ra Hà Nội chơi nhưng chưa lần nào trở lại số nhà 51 để bắt gặp lại hình bóng mình của một thời lông bông, đói khổ và cơ cực.
Để được thảnh thơi ngồi nghe người nhạc sỹ già năm xưa say mê nói về âm nhạc mà lòng không còn vướng víu chuyện áo cơm như ngày xưa từng trải.
“Này đây những chiếc lá ta thả trôi sông, hãy mang đi nỗi lòng ta xuôi theo dòng
Này đây những chiếc lá, những nụ hôn ta, hãy trôi đi, trôi về nơi xa ấy
Sông ơi, sông ơi, chảy đi kìa sông ơi!”.
Vĩnh biệt ông!