Năm nay tôi 28 tuổi. Tôi từng làm nhiều việc sau khi tốt nghiệp đại học: viết bảo phủi, trình dược viên, xin quảng cáo cho mấy tờ tạp chí chuyên ngành và trông kho vật liệu.

Làm báo, tôi cãi nhau tay đôi với lão trưởng ban biên tập về những định hướng vừa lạc hậu, ấu trĩ, vừa ngớ ngẩn của tòa soạn. Đi làm trình dược viên tôi không có bằng dược sỹ. Tôi nhẫm lẫn linh tinh giữa các loại vitamin và thực phẩm chức năng,  khổ sở đánh vật với những tên la tinh như Amoxicilline, Timolol, Sandostatin… Ngày cuối cùng, con mẹ giám đốc hãng Dược có trụ sở bé tí như cái hàng tò vò trên phố Thái Thịnh ném vào mặt tôi 82 nghìn rồi nói “Anh cầm lấy và cút đi!”. Tôi chui giữa các gầm ghế nhặt từng tờ tiền mệnh giá 2000, 5000 và 10.000 đồng. Cầm nắm tiền lẻ bước xuống cầu thang gỗ ọp ẹp, tối om, trong lòng trào lên cảm giác vừa xót xa, bất lực vừa hèn hạ. Tôi tự hứa với mình sẽ không bao giờ tiêu đến số tiền này (nhưng sau đó đói quá tôi đã lấy ra ăn cơm bụi).

Đi xin quảng cáo cho tạp chí,  chạy như chó dái từ sáng đến tối mịt không thấy mặt người, nhìn bộ dạng tôi, chiếc xe tôi đi, không ai dám đặt bút ký hợp đồng, kể cả mấy thằng khoan phá bê tông lẫn đội thông tắc bể phốt.

Vật vờ mãi với những nghề nghiệp không tên, một hôm mẹ tôi bảo “Huy ơi, thôi mày về làm rèn với bố đi con ạ, làm vài năm kiếm ít vốn còn lấy vợ, sinh con đẻ cái là vừa. Chứ cứ lông bông như chó chạy rông chả nên cơm cháo gì”. Tôi khóc tu tu trong điện thoại. Tôi khóc như đêm chia tay bạn gái. Bạn gái tôi cũng đã bỏ tôi theo một người khác. Tôi không hận cô ấy mà chỉ thương mình, cái đứa mà nhiều khi tôi cũng tự thấy rẻ rúng. Tôi quyết định về quê làm thợ rèn với bố.

Bố tôi tên là Ba, ở làng mọi người vẫn gọi là ông Ba rèn vì làm nghề thợ rèn. Bố tôi vẫn bảo “Dụng nhân như dụng khí. Ai cũng thích một con dao sắc, nhưng dao sắc vừa dễ đứt tay vừa dễ mẻ. Một con dao cùn thì việc gì cũng có thể dùng đến nhưng nó chỉ là thứ vô dụng, có cũng được, không có cũng được. Ở đời khiến người ta sợ còn hơn khiến người ta rẻ rúng coi khinh, con hãy luôn nhớ đến điều đó”. Khi ấy tôi còn bé nên nghe xong chả hiểu gì.

Ngủ dậy, ăn sáng xong bố kéo tôi đến bên lò rèn bảo “Công việc đơn giản thôi, mày kéo bễ cho bố, nhớ là đều tay nghe chưa?” Tôi bảo nhớ rồi. Tiếng phì phì lò than, tiếng cắt, đập những thanh thép, bụi khói và nóng nực khiến tôi mệt mỏi phát chán. Công việc nói chung khá đơn điệu và buồn tẻ.

Trong mù mịt khói than và tiếng va đập đinh tai nhức óc của lò rèn, tôi thường hay lơ mơ nghĩ đến gương mặt của Hạnh, người tôi yêu; nhớ thằng Chinh quê Thanh Hóa đêm ngủ không dám nằm ngửa vì sợ phải vắt tay qua trán suy nghĩ chuyện đời. Chuyện đời của nó giống tôi, mê mải theo đuổi những lý tưởng cao xa khi đêm xuống, sáng mai tỉnh dậy việc đầu tiên là sờ ví xem cả ngày nay sẽ ăn gì với từng ấy tiền. Vục mặt làm những việc không có trong giáo án nhà trường để kéo dài tình yêu với cô bạn gái, thứ tình yêu vừa mong manh, vừa trần trụi, ngọt ngào pha lẫn đắng cay, khổ cực. Tôi ở đây, làng quê nhỏ bé và buồn bã này, chỉ nhớ thôi cũng đã đủ muốn tự tử.

Làm được gần một tháng, chú Kiền, là chú ruột tôi vẫn hay sang uống nước chè, đánh cờ, nói với bố tôi “Thằng này không thể thành thợ rèn được”. Bố tôi hỏi sao chú lại nói thế, chú Kiền nhấp ngụm nước, bảo “ Bộ dạng nó trói gà không chặt, giờ cầm con dao bảo nó chém chết người thì tôi tin nhưng đưa cho nó thanh thép nó chỉ có thể làm ra cái xẻng xúc phân bò”. Bố tôi không nói gì, chỉ thở dài. Chú Kiền khuyên tôi đi học sửa chữa điện thoại,  theo chú ở quê nghề này rất khả quan vì ít người làm. Suy nghĩ 3 giây, tôi quyết định nghe theo.

Lớp học sữa chữa điện thoại nằm trên đường Minh Khai, thành phố Vinh. Đó là căn nhà ba tầng, hai tầng dưới chia ra mỗi tầng 2 lớp học, tầng trên chủ nhà sinh sống. Tôi nhìn vào lớp học, thấy những gương mặt ngơ ngác, tội nghiệp của những thanh niên đa số ở quê ra. Tất cả đều đen nhẻm, có thằng tóc vàng, tóc xanh như vừa bị sét đánh, đôi mắt nó hoang dại như con mèo mà tôi hay bắt gặp ngoài bãi tha ma. Thở dài cái thượt, định quay ra, lên xe té luôn nhưng bất chợt ngó thấy  một đứa con gái đang hí hoáy cầm mỏ hàn rà rà trên mấy cái main điện thoại chết. Nó có mái tóc giống Hạnh của tôi, tóc bằng và đen nhánh, nước da sáng, má hây hây đỏ nhìn rất đằm thắm. Dừng lại 4 giây ở bộ ngực trù phú của nàng, tôi quyết định đến thẳng bàn đăng ký, nơi có một thằng trạc tuổi tôi – hình như là chủ – đang cười cười mời gọi.

Tôi bảo “Anh hỏi thật là học khóa mấy tháng thì sửa được điện thoại?”. Thằng này nhe răng cười, giới thiệu là chủ cơ sở, tên là Đằng. Xoay tít mù cái bút bi Thiên Long trên tay, Đằng nói “À cái ni khó nói lắm anh ạ! Nếu sữa chữa ba cái bệnh lặt vặt như hư loa, hỏng mic, thay màn hình và chép nhạc thì 3 tháng là làm được. Còn nếu muốn học chuyên sâu anh nên học khóa 6 tháng, tùy anh”. Tôi bảo “Đéo cần, cho anh vào lớp 3 tháng”. Đằng hỏi họ tên, trình độ học vấn. Tôi nói tên Huy, trình độ lớp 9 rồi nộp trước 1 triệu, vậy là xong.

Lớp học khá chật chội, gồm mấy dãy bàn ghế để chép bài, bên trái sát hành lang là nơi thực hành các kỹ thuật khò hàn, đúc khuôn IC. Mùi nước gì đó xông lên hôi mù, một thanh niên bảo đó là lọ Putin dùng để rửa main. Phì cười, tên cứ như tổng thống Nga.

Trong lớp có anh tên Lợi, gọi là Lợi xù, tóc xoăn tít như mấy cầu thủ châu Phi. Lợi xù từng đi bộ đội, phục viên về nhà lấy vợ, đi cày. Cày mãi vẫn đói dơ cả răng, vợ Lợi xui đi học sửa điện thoại. Anh to cao lừng lững, đen và hôi như con gấu, ngồi đâu oánh rắm đó trông rất thiếu mỹ cảm. Ở lớp anh hay nằm ườn trên bàn, mắt mơ màng vừa ngủ vừa đánh rắm. Tỉnh dậy anh lôi cái điếu cày giấu dưới gậm bàn bắn thông 2 phát liền, xong nói địt mẹ công nhận ngủ ở lớp sướng thật đó, đéo bị vợ kêu con khóc điếc hết cả tai như ở nhà.

Đối trọng của Lợi xù là thạc sỹ Lê Tưởng. Tưởng là giáo viên môn lịch sử của một trường cấp 3, nhà anh có cửa hàng bán tạp hóa linh tinh, anh nói đi học về mở hiệu sửa điện thoại kiếm thêm lạng dọi cho cháu, chớ nghề ni nỏ mần giàu được mô. Ở lớp anh hay cập nhật tình hình thời sự quốc tế cho mọi người, xong phân tích thế trận, tiềm lực quân sự các bên. Có bữa Lợi xù hỏi “Ông thích Nga hay thích Mỹ?” Thạc sỹ Tưởng bảo “Tất nhiên là thích Nga vì tui thích rừng bạch dương, thích con người và thích “Thép đã tôi thế đấy” của lão gì quên mẹ tên rồi”. Lợi xù khạc bãi đờm tương đối xanh xao, rít bi thuốc nhả khói bàng bạc đoạn bảo “Liên Xô ngày xưa thôi, Nga bây giờ là lũ vừa lưu manh vừa hai mặt lại đạo đức giả, Liên Xô muôn năm, đả đảo Nga!”. Thạc sỹ Tưởng nghe xong bảo xin lỗi, tui đéo cãi nhau với đứa bất đồng chính kiến rồi tiếp tục cập nhật thời sự quốc tế. Đám trai làng bó gối nghe như nước đổ lá khoai, thi thoảng có đứa vỗ tay khen tuyệt tuyệt, bác uyên thâm lắm, rồi tiện mồm xin thạc sỹ điếu thuốc Ngựa. Tưởng dừng lại bảo “Địt mẹ hút đéo chi lắm a, bọn bay thì chỉ nên bắn điếu cày như thằng Lợi thôi” nhưng vẫn rút ra cho.

Đứng lớp là giáo sư phần mềm Trịnh Biện và chuyên gia phần cứng Lâm xì ke. Bữa đầu tiên chuyên gia Lâm giảng thay giáo sư Biện, vì giáo sư bận đi ăn giỗ. Gõ cạch cạch cái bút dạ lên bảng, chuyên gia Lâm nói “Các anh muốn trở thành thợ giỏi thì trước hết nên yêu điện thoại như người tình. Nó cũng có những bộ phận như con người mà các anh phải tìm hiểu, đây nhá, gương mặt là cái màn hình, đôi tai là míc thu âm, miệng là loa trong và loa ngoài, bộ não là CPU, trái tim chính là các IC dao động”.

Lợi xù đang ngái ngủ ngồi dưới hỏi “Rứa lỗ đít của hắn nằm ở mô thầy?”. Cả lớp ôm bụng cười. Chuyên gia Lâm nghệt mặt hồi lâu, nuốt nước bọt xong bảo “Một câu hỏi rất hay nhưng ta gọi là hậu môn anh Lợi ạ, hậu môn là là…lỗ jack cắm tai nghe. Khi ta nghe Đàm Vĩnh Hùng hát Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên hoặc Lam Phương chẳng hạn, ta hay nói hát như ỉa vào tai, thì đó chính là bộ phận xử lý chất thải của điện thoại”. Lợi xù gật gật nói chuẩn chuẩn, đả đảo thằng Đàm.

Những tiết dạy của chuyên gia Lâm rất bất thường và lạ lùng. Khi vui, chuyên gia cười cười, nói nói hoạt ngôn vô cùng. Khi buồn hoặc tâm tính bất ổn, Lâm chuyên gia lầm lũi cắm mặt chép chép, vẽ vẽ toàn chữ và sơ đồ mạch, sơ đồ linh kiện lên bảng kệ mẹ trò thích hiểu sao thì hiểu. Thỉnh thoảng chuyên gia dừng lại lấy cán bút dạ chọc chọc, gãi gãi vào mạng sườn rồi che tay ngáp dài chảy nước mắt. Có đứa thì thầm “Đang vật đấy, đến cữ đói thuốc rồi”. Quả nhiên hết giờ giải lao, đi đâu đó nửa tiếng về, thần sắc Lâm thay đổi hẳn, cười nói rôm rả như vừa trúng trăm điểm lô.

Học được một tuần, tôi trở nên thân thiết với đứa con gái duy nhất trong lớp. Nàng tên Vy Thị Yến, người dân tộc Thái, quê ở một huyện miền tây Nghệ. Bữa thứ 3 ngồi thực hành khò đúc IC, nàng vô tình đâm mũi hàn nhọn hoắt và nóng rực vào vai tôi. Máu ở vết thương tứa ra, mùi da thịt khét lẹt, tôi chỉ kịp rú lên một tiếng rồi ôm lấy vai. Yến hốt hoảng vứt mỏ hàn xuống bàn, rối rít xin lỗi. Tôi cởi áo sơ mi ra, may chỉ bị nhẹ, nhưng rất buốt. Nàng lấy tay rịt vào vết thương nhỏ xíu như hạt đỗ xanh, bảo “Em vụng quá, xin lỗi anh nhé! Anh có đau lắm không?”. Tôi bảo không, được người đẹp quan tâm anh khỏi rồi. Nàng hỏi anh tên gì, trước đây anh làm nghề gì? Tôi bảo tên Huy, ngày trước anh làm thợ rèn ở quê. Nghe xong Yến cười khúc khích, bảo “Ôi hay hầy, anh giỏi quá!”, rồi lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ:

“Làm thợ rèn mùa hè có nực

Quai một trận, nước tu ừng ực

Hai vai trần bóng nhẫy mồ hôi

Cũng có khi thấy thở qua tai”

Tôi bảo anh chả hiểu gì về thơ cả, thơ như đàn bà đẹp, càng khó hiểu càng hấp dẫn. Nàng lại hỏi “Anh Huy này, anh có người yêu chưa?”. Tôi cúi mặt bảo chưa, à từng có nhưng rồi cô ấy bỏ anh đi theo một người khác. Yến chau mày nói sao thế, tôi bảo anh nghèo, lại bất tài nữa, cô ấy bỏ là phải. Nói xong những lời ấy tôi suýt khóc. Nàng nhìn sâu vào mắt tôi, bảo thôi anh đừng buồn nữa rồi hôn rất nhanh vào vai tôi. Nơi có vết thương ban nãy. Nhìn ngực nàng căng phồng và nặng trĩu sau lớp áo mỏng, tôi nóng bừng mặt.

 

(Còn tiếp)