Phòng Giáo dục sáng nay nhận được thư ngỏ của Ban giám đốc trại tâm thần. Trong thư có đoạn viết:
“Thưa quý Phòng, hiện trại chúng tôi có 30 bệnh nhân đang trong giai đoạn điều trị tích cực. Đa số họ thuộc thành phần cá biệt. Bọn này thường xuyên la hét, quậy phá trong các tiết học bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng sống, gây mất trật tự và ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác. Bởi vậy chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác của quý Phòng trong việc giáo dục các bệnh nhân nói trên, để sớm đưa họ tái hòa nhập cộng đồng”.
Đọc thư xong, đồng chí trưởng phòng Giáo dục Trạch Văn Đoành gọi điện xuống các trường, cho triệu tập ngay một số giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp để quán triệt tinh thần và dặn dò thêm một số thứ.
Đúng giờ ngọ, tổ giáo viên do trưởng phòng Đoành dẫn đầu đã có mặt tại trại tâm thần. Đón tiếp phái đoàn, giám đốc trại tỏ vẻ lo lắng và nghi ngờ trình độ chuyên môn của các giáo viên được cử đến vì đa số họ còn quá trẻ. Nhưng bằng sự nhạy bén của một trưởng phòng giáo dục có thâm niên 15 năm công tác, cán bộ Đoành lập tức vỗ vai giám đốc trại tâm thần, nói anh cứ yên tâm!
Đến phòng điều trị của 30 bệnh nhân, đồng chí Đoành chỉ vào một cô giáo, nói với giám đốc trại.
– Giới thiệu với anh, đây nà cô giáo Lò Thị Điệp đến từ trường tiểu học Nghi Xuân. Bệnh nhân nào vẽ bậy nên ghế, cô ấy sẽ bắt cả nhóm bỏ phiếu kín để tìm ra thủ phạm bằng được.
– Tốt quá! Có điều bọn này tuy hâm hâm nhưng đoàn kết lắm, nếu không đứa nào khai ra thì sao? Giám đốc trại băn khoăn.
– Thì cô ấy sẽ bắt tất cả 30 đứa niếm ghế!
Nghe đến đây, các bệnh nhân thè lưỡi, rụt hết cả cổ lại vì sợ. Có đứa khiếp quá chắp tay vái lia lịa xin tha.
– Còn đây là cô giáo Vi Thị Mận, mặc dù còn trẻ nhưng nghiệp vụ sư phạm rất vững vàng.
– Xinh nhỉ! Có trình độ chuyên môn gì không?
Đồng chí giám đốc trại nuốt nước bọt.
– Ờ, con của phó phòng chỗ tôi đấy. Trong giờ sinh hoạt, đứa nào to mồm la hét hoặc đòi uống nước hai lần, cô ấy sẽ đè cổ ra cho uống tinh chất nước – chiết xuất từ giẻ lau và phấn.
Trưởng phòng vừa dứt lời, đám bệnh nhân bỗng nhiên im ắng lạ thường, không ai hú hét hay đòi uống rượu vặt nữa. Giám đốc trại đầu cúi gằm, mặt tái mét mãi sau mới lúng búng hỏi tiếp.
– Vâng! Trong lớp thế là ổn rồi! Nhưng có vài đứa lúc điên lên hay chạy ra sân đập phá, gây gổ đánh nhau rất phức tạp anh ạ!
– Anh yên tâm, chúng tôi đã lường trước tình huống này nên có cử đến đây đồng chí nữ hiệu trưởng Tạ Thị Tấn. Chị ấy sẽ điều ngay taxi đến đâm gãy cẳng bất cứ đứa nào chạy nhảy lăng nhăng trên sân cho chừa đi.
Đồng chí giám đốc trại tâm thần được lời như cởi tấm lòng, xoa tay trình bày thêm.
– Các anh chu đáo quá! Công tác quản lý như thế là cũng nề nếp, kỷ cương và đầy tính sư phạm rồi. Tôi chỉ còn lo đến bếp ăn chúng nó không chịu ăn mà quay sang đánh nhau thì phiền lắm.
Trưởng phòng Đoành nghe xong, bèn chỉ vào hai nữ giáo viên mầm non, bảo trông thế thôi chứ võ nghệ đầy mình đấy, đứa nào không ăn, các cô túm chân dốc vào thùng nước một lúc là ăn thun thút ngay. Cái này bọn tôi cho tập huấn kỹ lắm rồi.
Thì quả nhiên việc giáo dục các bệnh nhân ở trại tâm thần từ đó trở nên thuận lợi và mang lại hiệu quả rõ rệt. Các bệnh nhân không còn la hét, đòi uống rượu vặt, bỏ chạy hoặc đòi tuyệt thực nữa, nên sớm được xem xét cho tái hòa nhập cộng đồng. Đến chia vui cùng ban giám đốc trại, trưởng phòng Trạch Văn Đoành chia sẻ phương pháp giáo dục cùng ban giám đốc trại.
“Thưa các đồng chí! Bí quyết thực ra có gì đâu. Đó nà chúng ta dùng những đứa thần kinh để giáo dục và cảm hóa những đứa không chịu nhận mình bị thần kinh. Cái này trong binh pháp Tôn Tử gọi là “dĩ độc, trị độc” đây thưa các đồng chí!”.
Mọi người vỗ tay rào rào tán thưởng, không khí hết sức sôi nổi và đầm ấm. Đến phần bỏ phiếu kín để tìm ra người bị bệnh nặng nhất, chưa đủ điều kiện ra trại, kết quả đồng chí trưởng phòng Giáo dục hay nói ngọng nờ thấp Trạch Văn Đoành nhận được tỉ lệ 100%.