Biết mình sắp sửa chuyển nhà đi nơi khác, tối nào anh em họ hàng cũng đến thăm hỏi, chúc mừng rất đông. Có nhiều người xưa nay vốn rất hờ hững, lạnh nhạt bỗng dưng trở nên thân thiết một cách kỳ lạ. Đa số họ có mối quan hệ dây mơ rễ má với mình phức tạp như giải phương trình căn bậc 3. Nhưng thôi, họ đến là vui rồi.
Tối nay nhà lại đầy người, xe dựng từ trong sân ra đến tận ngoài cổng. Tiếng cười nói xôn xao.
– Cháu ơi! Ai không biết chứ dì ruột ông nội cháu còn gọi bà ngoại của mẹ ông bác họ chú bằng thím đấy.
Ông chú chiêu ngụm chè xanh, đoạn quay sang giải thích bằng giọng điệu cực kỳ sâu lắng và trữ tình. Mình gật đầu xúc động nói “Vâng”.
– Hồi còn đỏ hỏn anh là hay đái dầm lên người chú lắm. Chú vẫn hay nói với mẹ cháu, mặc dù hay đái dầm nhưng nhìn cái trán hắn tôi biết không phải người thường đâu, để rồi mà xem.
Vừa nói, chú vừa xoa xoa tay lên thành ghế, mắt đảo như rang lạc.
– Chú hỏi cái, bộ bàn ghế này trước cháu mua bao tiền mà chắc chắn thế? Gỗ lim có khác, sờ cái mát lạnh cả tay!
Mình nói dạ cháu mua từ hồi mới cưới vợ, hình như 18 triệu thì phải, lâu rồi cháu không nhớ nữa. Nghe đến đây ông anh họ ngồi bên chép miệng bảo.
– Nhìn cái vân đẹp thật! …Em không biết chứ cô ruột bà nội anh còn gọi bố của chú ruột ông ngoại em bằng bác đấy! Lâu có về nhà thờ không em?
Mình nói dạ lâu em ít về nhà thờ vì cũng bận. Ông anh gật gù.
– Ừ, chú là người của công chúng, bận trăm công nghìn việc kể cũng ít thời gian thật. Em ạ! Mỗi lần về nhà thờ thắp hương, anh là anh vẫn hay cầu cho chú công thành danh toại lắm. Nhìn cái mũi thẳng tưng của chú, anh vẫn nói với mọi người kiểu chi hắn cũng làm nên nghiệp lớn chứ không nói hay được đâu. Mà em ơi! Hà ơi!… Mai kia chuyển nhà, em có mang cái sập gỗ dổi đi theo không?
Chưa kịp trả lời thì thằng em họ đã chen ngay vào.
– Anh ạ! Giờ em mới tâm sự thật lòng chứ anh mà đi em cũng thấy hụt hẫng lắm. Anh em ta tuy 10 năm rồi không gặp nhau nhưng mỗi khi nghĩ đến anh, tim em luôn đau nhói vì thương. Ai không biết chứ ông nội bố em đang gọi cụ tổ của em trai bà ngoại anh bằng chú đấy. À mà anh chuyển nhà thì có mang cái chạn bát đi không? Cái chạn ấy gỗ gì mà trông thích thế không biết, tịnh không thấy mối mọt bao giờ!
Rít điếu thuốc lào, mình mơ màng bảo hình như gỗ vàng tâm, anh đéo rõ lắm. Đúng lúc đó bà cô nhanh tay đưa cho mình miếng trầu, chỉ vào cái tivi 21 inch đời Tống , bảo.
– Vào nhà mới chắc cháu mua tivi hiện đại hơn nhỉ. Cái tivi này tuy cũ nhưng công nhận tiếng trong và nét thật, chả bù tivi nhà cô, cứ được tiếng thì mất hình chán lắm cháu ạ. Hà ơi! Chú nhà cô vẫn khen cháu tuy đẹp giai nhưng có tâm, với lại mặc dù hay nói bậy nhưng thương người nghèo lắm. Cô là cô biết tính cháu của cô chứ. Thế bao giờ chuyển đi hả cháu?
Thấy cái tâm, cái tình của mọi người dành cho mình lớn quá, không nỡ để họ phải chờ lâu, mình đứng lên bẻ ngón tay răng rắc rồi nói.
– Dạ! Trước đây cháu cứ nghĩ không ai quý mến mình cả nên cũng tủi thân lắm. Tháng trước vì quá buồn, cháu đã định chuyển nhà ra thành phố sống, nhưng thấy mọi người tình cảm như thế này nên cháu…cháu…quyết định không đi đâu nữa hết!
Không khí bỗng dưng trầm lắng hẳn. Có tiếng rên rất khẽ. Mặt ai cũng thất thần và tuyệt vọng như xưa kia mất sổ gạo. Ông chú thộn ra, nhấp ngụm chè xanh rồi buồn bã đứng lên chào về. Mọi người rục rịch ra về theo. Không ai nói với ai thêm một lời.
Thoáng sau chỉ còn mỗi mình ngồi chơ vơ bên ấm nước chè đã nguội. Ngoài vườn mưa bắt đầu rớt lộp độp trên tàu chuối. Thở dài. Chỉ mấy tháng nữa thôi, cái nơi thân thuộc này sẽ chỉ còn là cố hương thôi sao?
Cố hương! Ôi cố hương..