Gần tối, vợ chồng chị gái và mấy người họ hàng gần cũng đã kịp có mặt. Anh rể hắn dựng xe, gạt đám người đang lao xao trước sân, chạy vào nói to, giọng giật cục rất nghiêm trọng.
“Ai chửi tôi cũng được, nhưng vì sự an toàn của chú Phèo thằng em tôi, đề nghị cử người ra phố mua ngay cái két”.
Anh trai hắn cười khẩy.
“Nhận tiền xong làm cái sổ đút ngay vô ngân hàng chớ két kiếc gì, ông hâm à?”
Chỉ chờ có thể, anh rể phản công.
“Vâng tôi hâm! Nhà này nói thật ngoài chú Phèo tôi xếp vào hạng kiệt xuất ra thì chả thằng đéo nào không hâm. Vì sao tôi bảo mua két không? Anh biết một mà không biết hai, đó là tôi muốn có chỗ thật bảo đảm để cất 3 tờ vé số trúng giải. Nhẽ để 3 tờ vé ấy vào ví nhét sau đít quần anh mới yên tâm à? Trộm cắp giờ như rươi, chưa kể nhỡ chú Phèo đãng trí ngồi con mẹ nó vào chậu cám lợn, khi ấy lại bảo tôi là anh rể mà không có trách nhiệm dặn dò chu đáo? Phỏng ạ?”
Anh rể vừa dứt lời, chị gái hắn bồi ngay.
“Đúng! Chú Phèo sống với tôi từ nhỏ tôi lạ gì tính chú ấy, mặc dù giỏi nhưng hay đãng trí bác học. Cứ cẩn thận cho chắc gạo, chú Phèo hè!”
Không thể lép vế, chị dâu rót cốc chè xanh đưa cho hắn, đoạn thủng thẳng.
“Cái chi mà…sống với tôi từ nhỏ. Nói mà không biết ngượng mồm. Rứa lúc chú Phèo ra ở riêng, mượn triệu bạc mở cái quán nước ghi đề đứa mô chối đây đẩy? Đứa mô sợ chú vay rồi quỵt luôn? Đứa mô nói chú học cho lắm vào rồi cũng chỉ ra đường vá xe? Đứa mô hè?”
“Này này! Đừng có mà nhét chữ vào mồm người khác nhá! Tôi nói rứa khi mô? Đây nói cho mà biết, nhà này sống với nhau như nào hỏi chú Phèo, chú ấy nói cho. Nhớ năm lớp 1, chú ấy ăn ổi xanh đi ngoài không được, tôi móc đít 4 lần mới ra. Năm lớp 6 chú ấy ăn trộm mít ngã gãy tay, tôi… tôi…” Chị gái hất vạt váy, nhảy cẫng lên, quyết không để bị bắt nạt.
“Thôi đi! Mẹ, nhức hết cả đầu!”
Hắn hất ly nước xuống sân, quát lớn, giọng oanh liệt như hiệu trưởng trường Mầm non quát giáo viên hợp đồng.
Chị dâu lập tức chạy ra hét vào tai con gái.
“ Con Na đâu? Chú Phèo nhức đầu… Mi phóng xe về nhà mang ngay lọ mật gấu loại đặc chủng nuôi 46 năm trong rừng Amazon đến đây tao bóp cho chú phát! Nhanh lên con!”
Chị gái hắn dẩu cặp môi vĩ đại cười nhạt như nắng ban mai, bảo.
“Trần đời chưa thấy ai nhức đầu lại bóp mật gấu! Cô định giết em trai tôi à? Tôi nói thật, ai động đến tôi, tôi có thể bỏ qua chớ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng em trai tôi là không xong đâu!” Đoạn quay sang bảo con trai.
“Con ra hiệu thuốc tây nói lấy cho mẹ lọ Phật Linh loại của Pháp sản xuất nha! Chú con chắc suy nghĩ vận nước nhiều quá đâm ra nặng đầu, cứ lấy Phật Linh của Pháp bôi một lúc là khỏi thôi. Khổ thân em trai tôi!”
Hắn ngồi bắn thuốc lào, nhả làn khói mong manh ra khỏi mồm, chiêu ngụm chè xanh rồi nuốt cái ực một cách nho nhã như ông đồ chính hiệu, xong bảo.
“Tôi đéo sao đâu! Mọi người ai về nhà nấy đi, loạn hết cả lên éo hiểu chuyện gì nữa!” Biết hắn bắt đầu nổi cáu, không ai bảo ai, tất cả lục tục rút lui.
Sáng nay hắn quyết định vứt tất cả lại đó, bắt xe sang thăm vợ cũ và con gái. Hôm qua đã kịp dặn hai cựu giấu vợ cũ chuyện trúng số. Hắn muốn giành cho cựu vợ một sự bất ngờ để còn có kịch hay mà xem.
Mẹ, không nói đến thì thôi, nhắc lại tự nhiên hắn thấy lòng đau nhói. Cái con vợ hắn, một đứa mở mắt ra việc đầu tiên là nghĩ đến tiền. Nhắm mắt đi ngủ tiền vẫn lửng lơ trong bán cầu trái của não bộ như là thứ ám ảnh duy nhất của cuộc đời làm vợ. Một đứa sống bên chồng mà như đang tạm trú, suốt ngày hằn học, dằn hắt và rẻ rúng hắn chỉ vì tiền. Nhiều lúc hắn chợt nghĩ, một đứa sống vì tiền thì khi có thật nhiều tiền nó sẽ sống vì gì? Hay nói cách khác, khi không còn phải vật vã vì tiền, mục đích sống còn lại của đời nó sẽ là cái gì?
Nghĩ về vợ cũ, hắn vừa giận vừa thương, dù trái tim hắn từng tổn thương rất nhiều lần vì những câu nói, hành động của thị. Nhưng hắn bỏ qua hết, vì tính hắn không mấy khi chấp đàn bà! Cuộc đời ngắn lắm, chỉ có kẻ ngu dốt và cay nghiệt mới giữ trong lòng sự thù hận, oán trách và hằn học với những thứ không đáng. Hắn chỉ tiếc vì đã chọn nhầm người để đời mình đâm ra lỡ làng, để con gái lớn lên không có bố bên cạnh, vậy thôi!
Xe khách dừng lại bên đường, hắn nhảy xuống bắn điếu thuốc, tranh thủ đái phát cho nhẹ nhõm cõi lòng. Điện thoại reo. Giọng cựu bố vợ oang oang.
“Phèo ơi! Sắp đến nơi chưa con? Trưa ni ăn chi để mẹ mua mồ? Gà hay mực sim đây con?”
Kéo khóa quần cái rẹc, hắn đủng đỉnh.
“Cái chi cụng được, à mua ít cà chấm mắm tép bố ạ!”
“Dạ, bố sẽ nói mẹ mua liền!”
“Bố đừng có dạ nữa được không?”
“Hì hì, tại bố quen mồm, bố xin lỗi!”
“Bỏ đi nhá, nghe chối lắm!”
“Dạ,… à quên lại nhỡ mồm!”
Ông cựu cũng là một ca khó đẻ nốt. Hồi hắn và vợ rục rịch chia tay, mỗi lần đi xe máy đường dài sang, ông cựu ngồi trong nhà gác cẳng lên bàn coi tivi không thèm quay mặt ra chào. Chỉ ờ một tiếng rồi cắm mũi hét theo thằng bình luận viên Tạ Biên Cương trong tivi “Vào! Địt mẹ quả nớ mà đéo vào!” Ông coi cú sút lên trời của thằng cầu thủ ất ơ trong màn hình thiết thực gấp 3 lần cái đứa đang cởi áo khoác và lột mũ bảo hiểm trước cửa nhà mình.
Những lúc đó hắn thấy ngại thay cho bố vợ, chứ đời hắn thì quen với sự rẻ rúng rồi. Tất nhiên rẻ rúng bằng thái độ, còn chỉ cần buông ra một lời xúc phạm, nhất là bét bất kể trước mặt là ai hắn cũng phang cho phát bẽ mặt đến đâu thì đến.
Nhảy tót khỏi xe khách, khoác cái balo ở trong đựng cặp quần đùi, bàn chải đánh răng, sạc điện thoại và gói bánh cho con gái, đi bộ dọc hè phố. Vừa đi hắn vừa nhớ lại những lần giữa trời nắng 45 độ, kiên quyết không bắt taxi, cúi mặt lủi thủi đi bộ vào nhà vợ chỉ vì tiếc 28 nghìn. 28 nghìn chưa được bát tái bò của con mẹ đầu ngõ, nhưng sẽ mua được cho con gái lốc sữa tươi kèm 2 cái kẹo mút.
Đến nhà vợ, nếu không đi làm, vợ sẽ giương đôi mắt ếch lên nhìn chồng 0,7 giây rồi cúi xuống đập cái bép vào chân, nói khiếp, muỗi chi mà cắn đau rứa. Rồi lỉnh vào bếp như trước mặt là một đứa vừa rớt trên trời xuống chứ không phải là chồng. Duy nhất con gái chạy ra hét lên trong nước mắt, bố, bố! Gỡ balo ra, bóc cho nó hộp sữa. Nhìn con hút hút, ánh mắt rạng rỡ, giọt sữa trắng tinh vương ra khóe miệng xinh xinh, hắn thấy không còn gì đáng kể nữa. Bao nhiêu mồ hôi và cả sự chua chát lúc lầm lũi đi bộ trên đường biến mất hoàn toàn.
“À, đến rồi hả con? Đi taxi vô à? Mệt không? Cún mô rồi, bố mi đến rồi này!”
Ông cựu chạy đứt cả quai dép, hồ hởi nghênh đón, đoạn quát vào nhà trong.
“Bà mi mô? Pha cho con rể ly nước chi mát mát rồi lấy khăn lau mặt ra đây mau. Bật quạt lên, quạt mô rồi?” Nhìn lão cuống quýt như sợ mắc lỗi, Phèo phì cười. Mẹ kiếp, không gác chân lên bàn ngồi coi tivi nữa đê? Hét địt mẹ vào, đéo vào nữa đi!
“Ông hôm nay nỏ coi bóng đá à?”
Hắn hỏi rất bâng quơ.
“À không, đá đấm chi bằng con rể sang! Mần ly bia cho mát đã hè? Đi đường nhọc không con?”.
Lão xoa tay như một công chức cấp huyện chân chính đón tiếp đoàn thanh tra Sở. Dưới bếp nghe tiếng gà oác lên mấy tiếng đầy khí thế, mẹ vợ nói với lên.
“Con sang rồi à? Mẹ đang dở tay thịt con gà. Thích món chi con? Luộc hay rang đây?”
Hắn bảo chi cũng được, quan trọng éo gì. Bố vợ nghe xong tủm tỉm cười, nói con thì thật đo, rành giống bố ở khoản nói bậy. Công nhận nói bậy sướng mồm con rể của bố hầy!
Vừa lúc đó vợ cũ đi làm về. Mặt vẫn khó đăm đăm như thường lệ. Trông thị rất khó đoán khi nào thị vui, hoặc đời thị thật ra chả bao giờ có niềm vui.
Hắn thả một câu khiến bố vợ lặng người mất 6 giây.
“Có mắt mà không biết ai đang ở trong nhà à? Ai dạy cô vô lễ như thế?”
Mẹ vợ hốt hoảng cầm con dao đang chặt thịt gà chạy lên thanh minh.
“Chắc là hắn quên đó! Con cứ chửi chết mẹ hắn đi, đồ hư thân! Có chi tí nữa làm thịt gà xong mẹ cho hắn trận!”
Vợ trợn mắt, mặt đỏ bừng bật lạt lại tanh tách như xưa nay vẫn bật…