Học ở đây gần một tháng, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra mình sẽ chẳng thu được tí kiến thức nào cả. Đến giờ học, giáo sư Biện cầm cuốn vở photo ngắc ngứ đọc tên những con IC, xong giải thích nó sinh ra để làm gì. Tôi phát chán với các thuật ngữ chuyên ngành: dao động, xung nhịp, trung tần, cao tần và một mớ các con tụ khốn kiếp bé như con kiến.
Trong giờ học tôi hay ngồi viết linh tinh lên cuốn sổ lý thuyết sửa chữa điện thoại, đa số trong đó là những ý nghĩ vừa lãng mạn vừa điên rồi. Tôi cũng viết rất nhiều cho Hạnh, bạn gái cũ. Những suy nghĩ chồng chất không đầu không cuối, có cả ân hận, day dứt, xót xa và nuối tiếc về những ngày tháng lông bông vô tích sự. Nhiều khi nhìn mưa bay qua cửa sổ, trong tôi dấy lên câu hỏi mơ hồ: mình sinh ra để làm gì và cuộc đời sẽ đi về đâu?
Tất nhiên tôi giấu tiệt nó đi không thể chia sẻ cùng ai, nhất là với một lũ nửa người nửa ngợm ở cái lớp sữa chữa điện thoại này.
Hôm nay giờ thực hành của chuyên gia Lâm. Vừa mang đống main cũ ra, chợt chuyên gia ngã lăn đùng xuống sàn nhà, bọt mép sùi ra, chân tay giật giật như gà động kinh. Cả lớp nháo nhào vây quanh. Đứa nào đó bảo “Địt mẹ vật thuốc rồi, thằng mô đấm cho hắn mấy phát giữa ngực đi!” Lại có đứa bảo chắc bị động kinh thật, lùi ra, lùi ra cho thoáng. Râm ran cả lên. Gọi xe cấp cứu, chở nó đi viện khẩn trương, để đây hắn chết cái thì bỏ mẹ. Dầu gió mô rồi. Mà địt mẹ vật thuốc đéo bôi dầu được mô, đạp cho hắn phát vào lưng.
10 phút trôi qua, chuyên gia vẫn nằm nguyên tại trận, bọt mép trào ra như ảo thuật gia đang trình diễn tiết mục ngậm xà phòng, mắt trợn ngược trông như sắp chết đến nơi. Lợi xù thủng thẳng bảo “Kệ mẹ nó, bệnh ni tau lạ chi, để yên nửa tiếng là tỉnh”. Kỳ trạng đề (sẽ nói về Kỳ sau) khoanh tay bảo “Mong là hắn đừng có chết, tau mới nộp 3 triệu học phí lúc chiều xong. Mà ví dụ hắn chết thật thì mần răng hè?” Thạc sỹ Lê Tưởng bảo “Nó 27 tuổi, tối ni bạch thủ con đề 27 tau nghĩ là đẹp”. Xôn xao một lúc thì chuyên gia Lâm từ từ tỉnh lại với ánh mắt vô hồn. Kỳ lấy ca nhựa rót ít nước trong bể đưa cho chuyên gia, đoạn bảo “Chúc mừng anh trở lại mặt đất nhé! Địt mẹ chú mần anh em hết hồn tưởng chết!”
Lợi xù ngồi vắt chân trên bàn bắn thuốc lào, cười cười bảo “Anh đang định chờ 10 phút nữa nếu chú không tỉnh anh mượn xi líp em Yến cho chú thẩm một phát chắc là hiệu nghiệm”. Vừa nói xong thì Yến bước vào, trên tay là ly trà gừng. Yến hốt hoảng hỏi “Thầy thấy trong người răng thầy? Uống chút nước gừng cho tỉnh nha thầy?”. Thạc sỹ Tưởng xua tay “Thầy chỉ thiếu hơi gái thôi em ạ, em lại hô hấp cho thầy cái là khỏe ngay!” Yến vùng vằng, đỏ mặt nói anh đừng có mà thần kinh, em không thích đùa rứa mô.
Rồi tiết thực hành cũng trở lại bình thường. Mãi về sau tôi không bao giờ quên nổi ánh mắt Lâm ngày hôm đấy. Nó vô hồn, lạnh lẽo và hoang dại như mắt con mèo hoang trong đêm. Ánh mắt Lâm, cũng như ánh mắt nhiều đứa học viên trong cái lớp điện thoại này, luôn khiến tôi ghê sợ. Tất cả đều gợi lên cảm giác hoang dã của những loài cây cỏ mọc vất vưởng bên triền đồi. Chúng lớn lên, già đi và chết khi mãi mãi chưa kịp trưởng thành như những loài cây dại vô danh, ở một nơi vô danh không ai biết đến. Nhưng cũng có thể tôi nhạy cảm quá. Bố tôi từng bảo đàn ông không nên nhạy cảm, nhạy cảm vặt vãnh sẽ không bao giờ làm được việc lớn. Năm nay tôi 28 tuổi, việc lớn nhất trong đời là đỗ đại học, để rồi trở về quê với bàn tay trắng và một mối tình tuyệt vọng. Hôm nay tôi ở đây và chưa biết đời sẽ còn trôi về đâu với những nhạy cảm vô lối giữa đường giữa chợ này.
Học đâu được vài tuần thì lớp xuất hiện một ẩn sỹ, gọi là ẩn sỹ vì trông dung nhan, tướng mạo anh cổ quái như vừa xuống núi. Anh tên là Kỳ, bọn ở lớp đặt cho biệt danh trạng đề. Trong giờ học kệ mẹ sóng trung tần, IC nguồn và CPU, anh ngồi sáng tác thơ bán cho mấy con mẹ ghi đề quanh chợ Vinh. Thơ anh kể ra bí hiểm và thâm trầm gấp 10 lần thơ Khoa điên bạn tôi hồi đại học, và bất cứ nhà lý luận văn học nào cũng phải chào thua khi cố tình tìm kiếm các tư tưởng cao xa ẩn ý trong đó. Anh bảo chả có ẩn ý lồn gì cả, thằng nào siêu thì luận lấy vài con số mà đánh đề, rứa thôi. Trong cặp anh đầy các tờ giấy A4 vẽ âm dương bát quái, rồng phượng nhằng nhịt kèm dăm câu thơ huyền bí, ví dụ:
“Hỡi cô tát nước đầu đình
Hôm nay đít 8 hay là tổng 3”
Hoặc:
“65 nay đã về chưa
Có khi 66 hay là 72
Nhà nàng có một luống khoai
12 luống diếp, 02 luống cà”
Thơ Kỳ không tuân thủ niêm luật, vần điệu gì nhưng bán rất chạy. Thạc sỹ Tưởng bảo “Kỳ ơi, sao mày không xin vào hội nhà văn?” Kỳ nhếch mép bảo “Văn chương chữ nghĩa của các bố nhạt bỏ mẹ mà cứ tinh tướng. Các bố chỉ giỏi mị dân, bốc thơm và tự ru ngủ trong tháp ngà cô đơn, tháp ngà nghệ thuật. Ngà ngà cái con khỉ, viết ra đéo ai đọc ngồi đo mà ngà ngà với nhau”. Cả bọn nhăn răng cười, thạc sỹ Tưởng hỏi tiếp “Rứa tối nay con gì đây trạng đề? Đời con nát lắm rồi, xin trạng mở lòng thương cho một con!” Trạng đề khoanh chân chữ ngũ bảo đi mà hỏi hội đồng xổ số nhé, thơ thì đéo mua, hỏi vớ hỏi vẩn.
Buổi sáng chuyên gia Biện đau bụng nên cả lớp được nghỉ. Lợi xù rủ tôi, Yến và thạc sỹ Tưởng về quê chơi. Quê Lợi cách thành phố mấy chục cây, chạy xe máy mất độ hơn một giờ đồng hồ. Lợi chở thạc sỹ Tưởng còn tôi chở Yến. Ngồi sau, không biết vô tình hay cố ý ngực nàng cạ cạ sau vai rất nhột và thích. Yến áp má vào tai tôi bảo “Trông giống một đôi đang yêu nhau hè!” Tôi bảo không giống lắm, Yến cười hi hi rồi choàng tay ôm eo rồi hỏi “Giống chưa?”. Tôi bảo rồi, giống rồi! Nàng lại cười hi hi.
Xe chạy trên đường đê. Buổi sáng, sương giăng giăng vây kín những ruộng ngô, từng lớp mỏng tang, e ấp và mềm mại như giải lụa trắng. Dưới cầu, dòng sông Lam trong vắt lờ lững trôi rất chậm. Một đàn cò trắng chấp chới qua sông, sải cánh in trên mặt nước loang loáng như đang bay vào bức tranh thủy mặc. Yến reo lên “Đẹp quá! Anh Huy có thấy đẹp không?” Tôi bảo đẹp. Chở một đứa con gái như em sau lưng đi đâu anh cũng thấy đẹp. Nàng cười hi hi, nói “Anh Huy khéo nịnh lắm!” Lúc đó buồn đái, tiện thể bảo nàng ngồi đây ngắm sông nhá, anh chạy vào ruộng ngô hít hương ngô chút. Mùi cỏ mật thơm thơm dưới chân, cào cào nhảy tanh tách trên lối đi. Nhắm mắt lại hít một hơi, chợt thấy cay cay khóe mắt. Có thể là do phấn ngô. Nhưng cũng có thể xúc động vì khung cảnh này, hình như tôi đã gặp đâu đó trong những lần về quê nội ex. Đi đâu, ở chỗ nào anh cũng thấy em. Kiếp trước nợ nần gì nhau không Hạnh ơi?
Quay trở lại, Yến vẫn bó gối ngồi trên yên xe, trông nàng ngơ ngác rất đáng yêu. Yến dựa đầu vào ngực tôi, thì thầm “Em tên thật là Én đấy, tên khai sinh là Vy Thị Én, anh thấy tên ấy có quê không?” Tôi cười bảo à không, nghe rất mộc mạc và dễ thương, nó gợi nhớ tới loài chim báo hiệu mùa xuân. Yến căn chặt môi bảo “ Vậy mà đời em chưa bao giờ thấy niềm vui, ở quê em buồn lắm, cha em uống rượu suốt ngày rồi đánh đập mẹ. Em đi học để thoát khỏi lũy tre làng, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của mẹ và chị em. Họ lớn lên, lấy chồng, chôn vùi cuộc đời mình trong những căn nhà thấp lè tè và những trận đòn. Em không muốn như họ”. Tôi ôm lấy nàng với tất cả sự yêu thương xen lẫn xót xa.
Đang hay thì Lợi xù vòng xe lại tìm. Thạc sỹ Tưởng bảo “Anh chị lãng mạn ghê, phải gọi ngay cho trạng đề biên bài thơ mới được!” Lợi lầm bầm “Đèo mẹ, cứ tưởng lạc đâu mất! Yến ơi, thằng Huy đã hun em được cái mô chưa mà mặt mũi tươi tắn rứa em?” Yến lè lưỡi bảo “Sắp được hun thì mấy anh quay lại, chán ghê, bắt đền đó!”
Nhà Lợi nhìn ra sông Lam, mua lũ nước vẫn về mấp mé trước sân, có năm lũ to nước lên tận cổ, mọi người phải trèo lên tận gác. Trong nhà có ông bà già, Lợi, vợ và thằng con lên năm. Vợ Lợi có khuôn mặt của một người đàn ông xấu trai, vừa khắc khổ vừa dữ dằn nhưng mông và ngực khá chắc chắn. Có lẽ Lợi ưng vợ ở điểm này chăng, vì tôi nhìn mãi tịnh không thấy trên gương mặt ấy có nét nào đáng để yêu.
Lợi bế cu con ra chào mọi người, nước mũi trên má nó đóng vẩy vàng như một lớp mỡ bò. Yến lôi trong túi ra gói kẹo dừa, nó giật lấy rất nhanh như ăn cướp. Đôi mắt nó vô hồn nhìn mọi người chòng chọc. Lợi bảo con chào o và các chú đi, chào đi. Thạc sỹ Tưởng và Yến cười cười khích lệ. Rất nhanh, nó tụt xuống khỏi người bố rồi chui tọt vào trong với gói kẹo dừa trên tay. Lợi ngượng nghịu bảo “Chắc hắn thấy lạ, chớ bình thường mồm mép kinh lắm!”.
Chào hỏi mọi người xong, Yến rủ tôi đi dạo một vòng quanh xóm. Dân ở đây rất nghèo. Những ngôi nhà xây bằng gạch táp lô bé bằng hộp diêm nằm rải rác, các con ngõ ẩm ướt đầy rêu xanh, không một bóng người. Tiếng gà trưa xao xác góc vườn, tiếng bồ câu gù gù, một con chòe đất vừa bay vừa hót. Tất cả gợi lên cảm giác vừa bình yên vừa buồn bã, như những phận người nơi đây.
Chúng tôi đi bên nhau trong im lặng, không ai nỡ cất lời trước, mỗi người hình như đang theo đuổi những ý nghĩ riêng. Tôi không muốn nói cùng nàng những ý nghĩ đang mông lung trong đầu và những cảm giác rất khó diễn tả lúc này, vì mãi mãi nàng không bao giờ hiểu được.
Buổi trưa mâm cơm được dọn ra. Vợ Lợi đội nón đi đâu một lúc, lát sau trở về với chai rượu trên tay. Mâm cơm cũng chả có gì: đĩa gà luộc đã cất hai cái đùi cho cu con, đĩa mướp đắng xào lẫn lòng và mề gà, bát cà muối, đĩa măng luộc chấm tương và bát canh rau lang. Lợi giục mọi người ngồi xuống “triển khai cho nóng”. Đang đói, nhìn đĩa thịt gà quê rất ngon mắt nhưng khách chỉ dám rón rén gắp vờn rau ria. Lấy cho mỗi người một miếng thịt gà bỏ lên bát, Lợi bảo “Bữa ni ăn tạm ri đã, chiều ra sông bắt ít cá ta làm nồi lẩu cho nó hoành luôn”. Vợ Lợi cúi mặt nhai, mắt thị không bao giờ nhìn thẳng, lòng trắng láo liên như ăn vụng bánh đúc ngoài chợ, nhìn rất gian.
Bố Lợi năm nay hơn bảy mươi, cứ và được hai và là dừng lại ho, vừa ho vừa vuốt ngực. Lợi nhăn mặt “Nói bao nhiêu lần rồi, ăn từ từ a. Bữa cơm mô cũng ho với khạc”. Vừa dứt lời thì ông bỏ đũa chạy ra sân khạc thật. Bố Lợi chạy trước, hai con chó to bằng củ khoai chạy theo sau. Yến bưng mồm khúc khích cười, phải véo mấy cái mới kìm lại được. Lợi chỉ đĩa thịt gà, nói thôi ta cứ chiến đi, già rồi khổ rứa đó. Thạc sỹ Tưởng chạm ly cái cạch bảo, rứa còn may đó, ông nội tui ở nhà ăn rồi còn nói chưa ăn, nói xin lỗi chớ nhiều bận ỉa lủng lẳng cả quần cũng phải chịu. Yến gắt “Đang ăn mà anh nói sinh gớm i. Em lạy anh để em nuốt trôi cái đạ” Tưởng nhăn răng cười bảo ờ hè, anh quên mất, xin lỗi Yến nha, thôi ta chạm cái chi khí thế mồ. Nào dzô dzô! Khiếp rượu quê là phải, uống gắt thật!
Chiều ngủ dậy Lợi rủ ra sông kiếm ít cá về nhắm. Từ nhà anh ra sông chỉ mấy con dao quăng, đi qua bờ đê và ruộng ngô là chạm mặt nước. Sông Lam mùa cạn, con nước lờ lững trôi. Bên kia, tả ngạn lố nhố bóng dáng của những người đàn bà đang rũ cỏ, cảnh vật rất nên thơ. Yến hát bài gì đó, giọng trong vắt “ Ơ hò, ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh. Thuyền em lên thác… ờ xuống… ớ ghềnh, nước non là nghĩa là tình ai ơi…”. Anh Tưởng bảo “Xưa kia các cụ vẫn hay ra sông đứng bên ni hò sang bên tê. Công nhận các cụ khỏe thật, nghệ thuật chim gái của các cụ có lẹ đạt đến mức thượng thừa”.
Tôi nghĩ rằng anh nói phét vì quê tôi cũng gần sông, hồi nhỏ tôi vẫn hay nghe mấy anh vạn chài đứng trên thuyền hò những câu rất tục, những câu hò ấy không thể thay lời tỏ tình được. Tôi nhớ láng máng như này “Hò ơ ơ… hò, em ơi đừng có bồn chồn, đến năm mười bảy thì ơ ờ …lol … ớ …mọc lông”. Tính tôi lạ lùng, cứ cái gì tục tĩu và có vần điệu tí thường nhớ rất dai. Tự nhiên nhớ đến chợt phì cười, Yến quay sang hỏi “Anh Huy cười cái chi rứa?” Tôi bảo à không. Yến bĩu môi, chắc lại nghĩ bậy bạ trong đầu rồi phải không, biết ngay mà.
Anh Lợi xắn quần lội ra xa thả lưới. Cá cũng không có mấy, bì bõm cả buổi chiều chỉ bắt được hơn chục con cá còm bé bằng ngón tay với một ít cá tạp. Trời cũng bắt đầu nhạt nắng, tôi giục Yến và anh Tưởng quay trở lại nhà Lợi lấy xe quay về thành phố. Tưởng ham vui nên nán lại. Lợi tiễn tôi và Yến ra tận ngõ rồi bảo “Tiếc hè, không ở được qua đêm hè. Chào anh em nhá, đêm nay tớ phải ở lại phục vụ hậu phương tí đã. Huy chở Yến về thẳng luôn hay còn rẽ ngược, rẽ xuôi đây?” Yến bảo “Thôi anh về lo cho hậu phương ở nhà đi, bọn em về đây, ghé ở mô sẽ gọi điện cho anh biết sau hihi”.
Trên đường về Yến ôm tôi rất chặt, tôi hỏi em có nhớ đường không? Yến bảo không, em ngồi sau không để ý, bây giờ anh thích đi đâu tùy anh. Tôi hỏi ơ, không sợ anh lừa à? Em đã biết chi về anh đâu? Nàng bảo không cần, em tin anh.
Xe đi lướt qua một hồ cá, trên mặt hồ sen đã tàn, những cọng sen màu nâu xiêu vẹo đan vào nhau nhìn rất buồn. Năm xưa, cũng trên đường làng, tôi đã chở ex qua những hồ sen lồng lộng gió. Tôi hỏi “Yêu một đứa nghèo như anh em có thấy rẻ rúng anh không?” Nàng im lặng hồi lâu rồi bảo không, nhưng tôi vẫn luôn tự thấy rẻ rúng mình, cho đến mãi về sau…
(Còn tiếp)