Xe tấp vào một quán ăn ven đường sau khi dừng lại mấy lần vì hỏng vặt. Không đói lắm nhưng hắn vẫn gọi một suất. Con mụ chủ quán cầm cái muôi huơ huơ bảo “Ăn cơm thì ra ngoài mua vé nha”. Vé vé cái thằng cụ mày, ở đâu ra thói bán hàng hách dịch như mậu dịch viên thời bao cấp thế? Hắn lẩm bẩm chửi thầm. Cái món dịch vụ xứ An Nam này đéo bao giờ khá lên được, cứ đông khách lên tí là coi khách hàng như ăn mày, mặt mũi sưng sỉa đến ghét.

Đang chờ đến lượt thì có đôi vợ chồng già bước vào, theo sau là cậu thanh niên dáng vẻ như sinh viên, cả ba đều lam lũ, khổ khổ như nhau. Bà già rón rén hỏi “Suất mô cũng năm mươi ngàn à chị? Có suất rẻ hơn không?” Chủ quán mặt vênh như phải đấm, gắt “Không có nha!” Thằng con trai nghe xong sượng sùng vân vê vạt áo, mắt len lén nhìn đĩa thịt gà trên bàn rồi quay mặt nuốt nước bọt cái ực đầy diễn cảm. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, hắn chợt nhớ đến hình ảnh của hắn gần 5 năm trước, cũng ở một quán cơm, khi con mụ chủ quán xoay cái bát nhựa trên tay rồi úp cái rụp xuống mặt tủ, bảo “Hôm nay tôi đéo bán cho ông nữa nhé! Mẹ, nợ đéo gì nợ dai như đỉa!”

Lúc đấy rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào hắn. Hắn ước có cái lỗ tử thần bỗng dưng xuất hiện, nuốt chửng cái quán cơm chết tiệt ấy trong nháy mắt. Nuốt luôn mụ chủ quán mặt nạc đóm dày như Bao Công lẫn hắn và đám “khán giả” bất đắc dĩ – cái lũ đang trơ mắt ếch nhìn hắn với tất cả sự hài hước xen lẫn rẻ rúng và thương hại. Nhưng tất nhiên không có cái hố nào. Hắn đứng ngây người với nụ cười vô nghĩa trên môi. Da mặt tự nhiên rồm rộp. Đời hắn chưa khi nào sang trọng vì tiền, nhưng tiền đã rất nhiều lần khiến hắn nhục nhã, ê chề và cay đắng. Hồi đó hắn mới ra trường. Tốt nghiệp khoa Triết với rất nhiều hoài bão và dự định cao cả, nhưng rồi đời đã cho hắn những cái tát đau đớn khiến hắn gục ngã. Trở về quê hắn xoay sang bán trứng vịt lộn, mở quán nước, ghi đề, buôn gà dạo, tiền đồ tối om như rúc váy chị Dậu cho đến khi cưới vợ, sinh con.

“Bà lấy cho tôi 3 suất, mỗi suất 100 nghìn! Vé đây!”

Ném cái “phẹt” xấp vé cơm xuống mặt tủ kính một cách oanh liệt, giọng hắn cương nghị rất đúng khẩu khí của một kẻ có tiền. Quay sang bộ ba lúc nãy, hắn hạ giọng.

 “Tôi gửi tiền rồi đấy, ba người cứ ăn cho no đừng ngại!”

 Nói đoạn hắn quay ra gian ngoài bắn thuốc lào. Bà già trợn tròn mắt, chạy theo níu tay hắn run run hỏi họ tên. Hắn điềm nhiên ngồi xuống bắn hai hơi Tiên Lãng, phả khói, mặt lạnh tanh như nhân viên phòng công chứng, bảo cứ ăn đi, tên tuổi quan trọng gì. Lát sau quay vào thấy ba người đang cắm cúi ăn, hắn rẽ lối khác lấy cơm cốt để họ khỏi trông thấy mà bận lòng.

Ăn cơm xong ra bàn uống chè bồm. Điện thoại reo tíu tít trong túi quần, giọng chị dâu.

“Chú Phèo à! Đang ở mô đó mà sao chưa thấy về? Ừ ừ, chị dâu đây, cả họ đang lo không biết chú gặp phải chuyện chi trên đường mà mãi chưa về đến nhà. Khiếp, chú làm cho anh chị như lửa đốt trong lòng. Em ơi, Phèo ơi về nhanh nhé, lúc chiều biết chú thích ăn gà hầm hạt sen, chị đã đi chợ mua về làm sẵn đây rồi. Về ăn cho nóng nha Phèo của chị!”

Hắn bảo mới ở nhà cựu vợ ra, đang nghỉ giữa đường. Chị dâu hốt hoảng.

“Rứa à? Rứa nhà đó có… có… xin tiền chú không? Đừng cho nha, tuyệt đối nửa xu cũng không cho. Phèo ơi, em thông minh tài giỏi nhưng hay quên lắm, em có nhớ hồi em sang thăm con, đến bữa không ai mời bát cơm, phải bỏ ra đường ăn phở Nam Định không? Chị nói thật nghe em kể mà chảy nước mắt vì xót. Đêm đó chị khóc đến 3 giờ sáng luôn vì thương em trai của chị, anh nhà chú phải động viên mãi đấy! Tỉnh ngộ đi em ơi, Phèo của chị ơi!”

Đang bắn thuốc lào, hắn phì cười suýt sặc khói. Những chuyện như này hắn tiên lượng được hết, nhưng vẫn giả vờ ngô nghê để còn hóng kịch hay. Hắn có tính rất lạ, đó là thích nghe đứa khác nói dối hoặc diễn xuất với mình – trong khi đã biết mẹ kịch bản từ đầu.

 “Ờ, nhưng thấy người ta bây giờ cũng quý mình…”

 Vờ vịt như đang phân vân, hắn cố tình thả một câu nghe có vẻ rất “hớ” ra. Chị dâu hắn xuýt xoa rên lên trong điện thoại.

“Trời ơi! Bây giờ chú trúng 9 tỉ bạc nhà đó không quý mới lạ. Thôi chết tôi rồi, kiểu này mấy bữa nữa bên đó lại dụ dỗ chú quay trở lại cho coi. Chú là phải tỉnh táo nghe chị góp ý nghe chưa Phèo?”

À bây giờ chị dâu chỉ dám dùng từ “góp ý” với hắn chứ không phải khuyên nhủ. Hắn nhếch miệng cười. Sống ở đời, muốn nhận thật nhiều lời khuyên thì hãy làm kẻ thất bại. Khi đấy đến trẻ con nó cũng hùa theo bố mẹ nó để nhảy lên cổ ta mà dằn hắt và nói giọng coi thường. Anh em, họ hàng, bạn bè, thậm chí những đứa không bao giờ mời nổi bữa cơm cũng sẵn sàng tỏ vẻ thương hại kiểu vuốt đuôi “Tao nghĩ mày phải thay đổi, không thể như thế này, thế nọ mãi được”. Chúng nó nói một tràng cho sướng miệng, rồi sau đó mách người thân “Cháu là cháu vừa ngồi khuyên hắn mãi rồi đó, hy vọng hắn tỉnh ra”.

Đối với hắn, lời khuyên thường không mấy giá trị. Nhiều lúc vừa nghe đứa khác rủ rỉ khuyên nhủ, hắn vừa lầm bầm chửi trong bụng “Câm mẹ mồm đi, tư cách đéo gì mày mà đòi xoa đầu bố?” nhưng vẫn giả vờ gật gật ra chiều đang chiêm nghiệm. Có những ý nghĩ mà nếu hắn nói ra, đứa đứng trước mặt hắn chắc chết vì muối mặt, nhưng đang trong vai kẻ thất bại nên hắn giữ lại được trong lòng. Một thằng buôn gà, buôn vịt chạy chợ, áo quần người ngợm hôi hám như móc dưới cống lên, nói đéo ai nghe. Ấy là hắn vẫn luôn nhủ mình thế.

Tối mịt về đến nhà. Vừa lò dò vào sân, lão trưởng họ liền chạy ra nghênh đón, tay bắt lia lịa ra chiều hữu nghị và thắm thiết.

“Gớm hè! Lâu lắm rồi mới được diện kiến anh Phèo hè! Độ ni nhìn thần thái có vẻ vượng hẳn. Nói thật là mỗi khi họp họ, tui vẫn nói với mọi người, anh Phèo con nhà chú Tràng tốt nghiệp khoa Triết, trường đại học Khoa học Thủy lợi là người có chí khí, thông minh hơn người đấy, phải cái chưa gặp vận”.

Phèo cười rất mặn, mạnh dạn vỗ vai trưởng họ, nói bác cứ đề cao cháu quá, lâu khỏe không bác?

Ngay lập tức vợ trưởng họ nhắc nhỏm trong nhà ra, nét mặt vô cùng đau thương và khốn khổ, rên lên khe khẽ.

“Cháu Phèo của bác à! Độ ni đau yếu suốt anh ạ, mới điều trị bệnh viện tỉnh về hết cả đống tiền. Đợt ni chắc phải lên bệnh viện trung ương dài ngày, khổ lắm trâu bò lợn gà bán hết chú ạ. Đang đau yếu nhưng biết anh thành đạt à quên trúng xổ số, vội giục ông nhà tôi chở lên đây động viên, chia vui với anh luôn. Khiếp hè, dạo ni đẹp trai thật đo, cháu của bác là phải…” Nói đoạn ôm ngực ho 14 tiếng, trưởng họ thất kinh chạy đến đỡ lấy, xong quay ra bảo.

“Ốm đau suốt anh ơi, nhưng cứ hễ khỏe ra là lại nhắc thằng Phèo con nhà chú Tràng, nói thằng ấy sống có tình, biết trước biết sau mỗi tội chưa nên cơm cháo gì, tội cho hắn”

Phèo cười, nói dạ dạ bác cứ đề cao cháu quá rồi lủi vào nhà vệ sinh vạch quần đái tồ tồ rất khí thế. Chị dâu đứng ngay cửa nói vọng vào.

“Nghe tiếng đái cũng biết thủy lực, nội công chú Phèo nhà ta thâm hậu rồi! Kiểu ni đẻ con trai là cái chắc. Chị nói không phải nịnh, chứ tiếng tiểu tiện của chú nghe rồ rồ cứ như tiếng kèn pha – gốt của dàn nhạc giao hưởng thính phòng Viên”.

Vừa kéo khóa quần, Phèo vừa phì cười. Không biết bà này học thanh nhạc khi nào mà hiểu biết thật. Hay là khi vui sướng thì người ta thường phát tiết ra những tinh hoa?

Phần 5 http://boygia.com/truyen/trung-so-phan-5/