Vào một đêm đông mưa gió, thật ra mưa thôi, gió không đáng kể nhưng cứ nói quá lên cho nó thấm đẫm chất văn chương, tráng sỹ dắt xe đi đòi nợ. Nhà con nợ nằm sâu trong con ngõ nhỏ, rêu phong ẩm ướt, xanh lè lối đi.

Tráng sỹ xuống xe dắt bộ vào nhà, vừa bước vừa sợ ngã phát thì bỏ mẹ, tiền lãi chắc vừa đủ tiền trồng răng. Mà răng tráng sỹ thì biết rồi đấy, khểnh rất duyên.

Trong nhà tối om, chắc tắt đèn coi thời sự cho đỡ tốn 2 số điện. Đấy là tráng sỹ đoán thế. Các miền quê vẫn có thói quen tiết kiệm rất khoa học, đó là “tắt khi đéo sử dụng”. Xem tivi chứ có phải xem đèn đâu mà bật? Đứng thập thò bên ngoài ngó vào, tráng sỹ tưởng nhà này đang chơi đèn nháy. Ánh xanh, ánh đỏ chớp tắt khiến tráng sỹ hoa hết cả mắt.

Tiếng chó sủa lách nhách rất hợp cảnh. Hai con chó phải nói to cao lực lưỡng như 2 con chuột cống, báo hiệu có khách. Một ông già tương đối hom hem thò cổ ra hỏi “Ai đó?”

Đèn sân bật lên. Tráng sỹ cúi đầu dạ. Tiếng dạ ngân lên xao xuyến khiến tráng sỹ hồ nghi đếch biết có phải mình vừa dạ hay không. Dạ, cháu chào bác! Cho cháu hỏi thằng Hoạch ở nhà không ạ?

Ông già rón rén đẩy cửa đi ra, theo sau là bà già. Sau khi thông báo thằng con có hiếu đi vắng, thân chủ ngồi xuống ân cần hỏi chuyện. Tráng sỹ rút gói Thăng Long loại bao cứng giá 10 nghìn châm một điếu, nhả khói mơ màng và bắt đầu trình tấu sự việc.

Để làm tin, tráng sỹ chạy lại xe máy rút cuốn sổ ghi nợ cho thân mẫu con nợ xem. Nói thêm, đó là cuốn sổ chủ yếu ghi cảm xúc lăng nhăng, ví dụ dừng xe đái bậy bên đường bất chợt phát hiện có con chim lạ mải miết bay vào rừng thì rút ra ghi vài dòng cảm thán về nỗi cô đơn trước thiên nhiên hùng vĩ. Thích em này, ghét em kia. Bị con mụ chủ quán phở trả thiếu 2 nghìn đồng về nhà mới biết. Chửi nhau với bọn ghi công tơ điện. Trượt lô. Vân vân. Nói chung tả pí lù toàn những sự kiện trọng đại và bí mật không thể chia sẻ cùng ai.

Thân mẫu con nợ lật vài trang xem qua, mồm lẩm bẩm “Thằng này lại vay tiền cờ bạc rồi! Hắn phá nát nhà bao nhiêu lần vẫn không chừa…”, đoạn bất ngờ vùng dậy cầm cuốn sổ chạy thẳng vào buồng đóng cửa lại. Tráng sỹ hốt hoảng chạy theo bảo “Này, bác trả lại sổ đây!”

Đáp lại lời đề nghị tha thiết của tráng sỹ, bên trong lục cục nghe như tiếng rút dao hay đại loại vũ khí gì đấy. Tráng sỹ quay ra ngồi bệt xuống ghế, bần thần nghĩ tới số phận cuốn sổ chứa toàn điều bí mật động trời.

Ngoài giời mưa vẫn bay, từng hạt nhỏ trắng xóa trông rất trữ tình. Nhưng lúc này tráng sỹ chả thiết tha mẹ gì nữa, lòng dạ nóng như lửa nghĩ cách lấy lại cuốn sổ trong đêm…

Mưa bụi giăng một màn trắng xóa, từng cơn gió hiu hắt lùa vào mặt khiến tráng sỹ khẽ rùng mình.

Đang mơ màng chợt cửa phòng hé mở, ông già lao ra, mặt đằng đằng sát khí túm ngay lấy cổ áo tráng sỹ.

“Mi biết hắn cờ bạc mà mi vẫn cho hắn vay tiền….để tau gọi công an xã đến bắt mi với tội… cho vay nặng lãi!”

Quá bất ngờ, tráng sỹ gỡ tay ra, nhưng trước kia chắc từng hoạt động trong đơn vị đặc công nên tuy già tay lão gia vẫn dẻo dai một cách kỳ lạ, hai bàn tay như hai vòi bạch tuộc giữ chặt lấy cổ áo gió không tài nào gỡ nổi.

Lúc này tráng sỹ đã hơi cáu tiết mặc dù bình thường thi thoàng vẫn ngồi luyện yoga nhằm cải thiện sự điềm tĩnh (dở cái là khi ngồi luyện, tráng sỹ toàn tơ tưởng đến gái nên công lực suy giảm ít nhiều).

Tiếng chó sủa ầm làng. Lác đác nghe tiếng dép của láng giềng tốt chạy đến hóng.

“Bác bỏ tay ra! Bỏ ra!”

Đáp lại sự dịu dàng của tráng sỹ, lão gia trợn mắt quyết ăn thua đến nơi đến chốn. Tay lão gia túm chặt cổ áo, vừa túm vừa xô đẩy như bắt nợ. Tráng sỹ lựa thế ngồi được xuống ghế, ngay lập tứ lão gia vớ lấy hai cái cốc nhè vào cạnh bàn ném xuống, mảnh vụn bay sượt qua mặt chàng kinh vãi cả đái.

Vừa ném lão gia vừa tri hô.

“Thằng này nó đập phá tài sản nhà tôi, bớ làng!”

Tráng sỹ cay lắm rồi, tự nhiên gắp lửa bỏ tay người, vu oan giá họa lật lọng như trở bàn tay. Thấy tình thế khẩn cấp, chàng đứng phắt dậy né đạn. Nhưng như đã nói, từng huấn luyện trong đơn vị đặc công nên rất nhanh, lão gia một lần nữa túm luôn cổ áo khoác của chàng mà giằng xé.

Trong một diễn biến cảm xúc gần vượt ngoài tầm kiểm soát, suýt nữa chàng không giữ được sự điềm tĩnh vốn có của một nhà thiền học danh tiếng.

Chàng nghĩ nháp trong đầu, nếu không phải là một ông già, tao đấm một phát 15 phút sau chở lên viện trên ngay lập tức éo nói nhiều. Nhưng tất nhiên là nghĩ nháp. Chàng nhẹ nhàng gỡ tay lão gia ra, rất nhẹ nhàng vì sợ lỡ gãy cụ tay ông thì bỏ mẹ.

Dân tình bắt đầu lục đục kéo đến, có chị bế cả con đang bú dở chạy sang thị sát tình hình. Một số hào kiệt cũng mặc quần đùi vứt dép lấp ló trước sân, mắt ngáo ngơ như chó xem tát ao. Thật là một thảm cảnh kỳ vĩ chưa từng thấy.

 

Thấy tình thế bất lợi, tráng sỹ toan đứng lên bỏ về (mịa 36 chước binh pháp Tôn Tử tráng sỹ thuộc nằm lòng, tẩu vi thượng sách) nhưng bất ngờ lão gia một lần nữa manh động.

Vốn huấn luyện trong đơn vị đặc công hay thủy quân lục chiến gì đó đại khái rứa, nhanh như chảo chớp lão gia vớ ngay lấy bình thủy tinh đựng nước chè chát. Bỏ mẹ rồi, nhìn phong thái của lão gia có vẻ như cái bình thủy tinh sẽ táng xuống đầu chàng đến nơi. Trong một thoáng kinh hãi, tráng sỹ tự nhiên thấy ngu vì không nghe theo lời đồng chí Putin từng dạy “Nếu chắc chắn buộc phải tẩn nhau, hãy là kẻ ra đòn trước”. Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi, ex ơi, Ly ơi, tập thể người yêu cũ ơi xinh vĩnh biệt từ đây!!!

Tráng sỹ nhắm nghiền mắt đếm một hai ba…và choảng một tiếng, mở mắt ra đã thấy tung tóe những mảnh thủy tinh trên bàn. Á à, lão gia rung cây dọa khỉ, bài này cũng nằm trong 36 chước Tôn Tử đây. Chàng thở phào nhẹ nhõm quay đầu toan ra ngõ dắt xe về cho lành, thì lão gia quắc mắt quát con dâu “Mi cầm khóa ra khóa xe lại, nhanh!”. Tráng sỹ điên hết cả người định ôn tồn bảo “Đm làm cái lol gì đấy?”, nhưng vốn xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, chàng phanh lại kịp.

Cô con dâu tay cầm dây khóa hiệu Việt Tiệp cúi xuống cong mông bấm mấy lần vào bánh sau con chiến mã của chàng. Nhìn cái mông gái mới đẻ dậy như cái thúng chập chờn trước mặt, chàng muốn sút cho phát chừa thói lanh chanh đàn bà. Nhưng mà thôi, chân chàng chỉ quen sút bóng, chạm vào cái của nợ ấy mất cụ đi sự thánh thiện vốn có.

Lúc này các hào kiệt răng vẩu, mặc quần đùi đã đứng đầy sân nên chàng khoanh tay tựa vào gốc mít cố thủ theo kiểu phó mặc đến đâu thì đến. Đứng một lúc chàng quyết định bỏ ra ngoài đường hút thuốc. Đứng đó quần chúng bức xúc hay nhân dân đi bộ thể dục nhỡ tay đấm cho phát ngày mai lại lên trang nhất báo Dân trí bảo sao thành người nổi tiếng.

Loanh quanh ngoài đường làng, chàng đi bộ lên bờ đê vãn cảnh. Trời tối mò chả thấy mẹ gì. Tiếng dế rinh rích dưới chân, một con vạc sải cánh bay qua, tiếng kêu của nó báo hiệu ngày mai trời sẽ hửng nắng. Mưa bụi lất phất ướt hết cả mặt. Mùi cỏ ngai ngái thơm. Tự nhiên chàng thấy cô đơn khủng khiếp. Rút điếu Thăng Long loại 10k một bao, châm lửa rít mấy hơi, chàng ngao ngán thở dài như một triết gia chân chính.

Buồn quá, chàng cắm tai phone nghe nhạc giết thời gian, bây giờ về cũng éo có xe mà về, nhẽ đi bộ gần 7 cây số đường làng? Tiếng hát Như Quỳnh cất lên bài khỉ gió gì đó rất quen, cái bài mà hồi xưa chàng vẫn hát nhại con ranh Ly “Thuở ấy xa xưa có một nàng, một nàng thiếu nữ
Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn. Cuộc đời hồng nhan, cay và đắng thôi thì lắm trái ngang…”

Mẹ kiếp nghe mà nhớ con điên ấy dã man. Đôi lúc chàng tưởng đã quên được nó, nhưng càng cố làm ra vẻ quên, chàng lại càng nhớ nó, nhớ cồn cào. Rất nhiều lần đi xe máy đường xa, qua những con đường hai đứa từng đi, chàng nhớ nó rớt nước mắt.

Ly ơi ,Ly ơi Ly, Ly có biết không Ly
Khi con tim yêu đương là sống với đau thương
Khi con tim yêu đương là chết với u sầu
Thì Ly đã biết cớ sao Ly buồn….

Mỗi khi nghe chàng hát nhại tên nó, ngồi sau xe nó ghe môi vào tai chàng thì thầm “Hâm ơi hâm ơi, hâm quá đi hâm”. Nghe nó nũng nịu mà phát ghét, bình thường cô hổ báo lắm kia mà?

Dạo loanh quanh một lúc, tráng sỹ quay trở lại nhà lão gia vì sợ đóng cổng thì bỏ mẹ. Gần đến ngõ tráng sỹ gặp một bác già chắc mới từ nhà lão gia ra. Bác già dừng lại hỏi “Chú cho hắn vay nhiều không?” Rút bao thuốc mời bác già một điếu, chuyện trò qua loa, bác già bảo “Cũng thông cảm cho ông ấy, con cái phá nát nhà nhiều lần rồi, suốt ngày chủ nợ đến đòi nên đâm ra bức xúc, chứ ông ấy hiền lành lắm”

Hóa ra dân tình cũng chả lạ gì chuyện này. Tráng sỹ thở phào. Sợ nhất là mang tiếng với dân làng, ai không hiểu lại nghĩ chàng đến lấy nợ không được rồi đập phá đồ đạc gia chủ thì bỏ mẹ chàng. Số nợ ấy, nói thật ra thằng kia thiếu nước quỳ lạy xin chàng cho vay để giải quyết việc riêng, không thương tình và tin nó thì đã không có buổi tối hôm nay.

Quay vào nhà lão gia, lúc này không khí đã êm đềm trở lại. Những mảnh thủy tinh đã được ai đó dọn sạch, nhà trong tivi vẫn chớp nhoay nhoáy như đang trình diễn hiệu ứng đèn nháy. Tráng sỹ vẫn hơi hơi run, lo lắng chẳng may lão gia từ trong buồng chạy ra với quả dao thái rau lợn, xiên cho một phát thì toi đời. Mà nhà này thì chắc sẵn dao thái rau lắm, thấy nuôi cả hươu lẫn lợn.

Hai con chó to cao lực lưỡng như hai con chuột cống nghênh đón. Mẹ, sút cho phát lại bảo ông mày văn võ song toàn nhạc gì nhảy cũng dẻo. Thì đúng lúc lão gia bước ra, với bàn tay được băng một dải trắng toát nơi cổ tay. Sao lại ra nông nỗi này? Hay lúc nãy vật lộn, do nhiều năm không ôn luyện miếng đánh ngũ hổ vồ xôi nên lão gia gãy cụ tay?

“Chào bác! Tay bác, ôi tay của bác… làm sao thế kia ạ?”

Tráng sỹ thấy thương thật lòng. Lão gia nhăn nhó chìa tay ra thanh minh, giọng tồi tội.

“Thì đó, khi nãy nỏ biết răng tự nhiên bị sái khớp… mọi người sắp xếp mãi xương hắn mới ổn định trở lại… đau khiếp đi được!”

Rất nhanh, bằng sự nhạy cảm vốn có của một chuyên gia tâm lý chuyên khám chữa bệnh cho gia cầm, chàng biết lão gia đã nguội và muốn làm lành. Trời ơi, lạnh thế này mà bị chấn thương là khó chịu lắm đó, bác đã bôi dầu chi chưa? Miệng nói tay làm, tráng sỹ rút ngay lọ dầu gió hiệu Phật Linh trong túi áo khoác ra. Chưa kịp đổ vào tay lão gia thì vợ lão gia trông thấy bèn xua tay bảo, đừng đừng chú ơi, bôi dầu nóng vô là hắn nặng thêm đó chú! Thấy đứa con dâu đứng cạnh, nghĩ tiếc mấy giọt dầu, tiện tay tráng sỹ chấm cho nó phát lên mũi bảo cho ấm. Con dâu lão gia e thẹn cười cười lỉnh ngay vào nhà quên cả cám ơn.

Thăm khám qua loa, lão gia lúc này đã hối hận, kéo ghế ngồi trình bày gia cảnh. Hóa ra loanh quanh cũng chỗ quen biết với phụ huynh chàng. Hai vợ chồng về hưu, túc tắc nuôi hươu, thả gà cuộc sống cũng sẽ rất êm đềm nếu không có thằng con trời đánh thi thoảng về nhà báo nợ vài trăm củ. Thôi thì hai bác xin cháu, con dại cái mang, giờ bớt cho hắn được đồng nào thì tùy cháu, hai bác cảm ơn.

Chàng nghe mà như trút được gánh nặng trong lòng. Thôi tiền chả tiền thì thôi, cứ trả cuốn sổ kia cho cháu là ngon rồi. Chàng viết cho mảnh giấy, trong đó chỉ ghi số nợ chỉ bằng 1/3 ban đầu. Hai lão gia rưng rưng bắt tay cám ơn, hẹn ngày lĩnh lương hưu mang tận tay trả nợ tráng sỹ, đoạn quay vào nhà, lão gia quát con dâu mang cuốn sổ ra bàn giao thân chủ.

Nhận lấy cuốn sổ nhàu nhĩ, tráng sỹ đứng dậy chào về. Dắt xe ra khỏi ngõ, lão gia run run nắm lấy vai chàng nói như muốn khóc “Bác xin lỗi cháu… tại thằng con bác hắn làm khổ bác nhiều lần quá rồi nên bác không kiềm chế được. Cháu ơi, nhà này giờ tan hoang rồi cháu ạ, hai bác sống cũng như chết vì nó, mà nó thì có biết thương bố mẹ đâu!”

Tráng sỹ im lặng một lúc lâu rồi tần ngần lên xe phóng đi. Cuốn sổ úa vàng nằm ngay ngắn dưới giá để hàng. Trong đó là những trang viết dở dang của chàng cho đứa mà chàng đang mang nợ nó. Mấy lá thư tay của đứa từng yêu chàng nhất. Mảnh giấy ghi quyết định ly hôn của tòa án… và món nợ của thằng Hoạch con lão gia lúc nãy.

Tất cả đều đang dở dang như những món nợ cuộc đời tráng sỹ.

Mưa bay ngang mặt, một con chuột băng qua đường. Dưới ánh sáng lập lòe của những người đi soi cá, hình như chàng thấy bóng dáng ai đó thấp thoáng ở cuối con đường, nhưng đi đến nơi cái bóng chỉ còn là một làn khói ai đó đốt rơm còn sót lại.

HẾT