Hôm qua lên ngoại. Rút trong balo ra mấy gói kẹo rồi đưa cho cựu vợ cái váy ngủ gọi là lâu lâu có tí quà động viên tinh thần. Gì chứ thi thoảng cũng phải làm công tác hậu phương, tất cả vì tương lai con em chúng ta kệ cha tương lai con em chúng nó.
Hành động ấy lọt ngay vào mắt cụ già. Cầm cái váy trong tay, cụ ngó ngó qua rồi bỏ vào buồng. Lát sau giọng cụ vọng ra.
– Bây giờ là phải yêu nhau, không được ghét nhau nữa, nghe chưa?
Cựu vợ đỏ mặt cười. Mình trợn tròn mắt, lúng túng cười theo. Cụ chỉ được cái lắm nhọt, từ không yêu nhau đến yêu nhau là cả một quá trình phát triển tình cảm vừa phức tạp, rối rắm vừa đéo theo quy luật nào cả. Cái này nhà tình dục học Kraphta Ebinzo người Áo có đề tài nghiên cứu rồi, Ebinzo cũng chưa bao giờ kết luận rằng, tặng một cái váy ngủ có thể khiến hai kẻ ghét nhau bỗng nhiên quay ngoắt sang yêu đương thắm thiết.
Ấy là nghĩ thế nhưng không dám cãi lại cụ, chỉ cười vặt, nụ cười cầu hòa kiểu “thôi cụ im đi con nhờ, nói lăng nhăng ngại bỏ cụ”. Nhưng cụ vẫn không buông tha.
– Giờ thì nói “em yêu anh”, “anh yêu em” đi, nói đi! Phải yêu nhau, nghe chưa?
Thôi con lạy cụ. Cụ tinh tế thì nó cũng vừa phải thôi, em yêu anh, anh yêu em, chắc cụ độ này lậm ngôn tình Trung Quốc hở?. Bảo con văng tục cho sướng mồm thì con làm được, yêu đương sến sẩm cải lương con vái cụ cả nón.
Đang méo mồm cười vì ngượng, chợt cụ lò dò đi ra, tay cầm quả smart phone nói.
– Ngồi yên chụp ảnh đưa lên phây búc cái mồ!
Bỏ mẹ rồi! Lại còn thế nữa? Mới một tháng không gặp mà cụ đã kịp tân thời biết cả up ảnh lên phây búc mới kinh. Chụp cái xoẹt xong, cụ sán lại bảo.
– Đưa lên phây búc đi, đưa đi!
Cựu vợ lè lưỡi bảo.
– Đấy, giờ chụp ảnh xong toàn hỏi “đưa lên phây búc chưa”!
Mình sợ cụ hỏi lắm đâm ngại nên bỏ ra sân nhìn lá bàng rơi trước gió, trong đầu miên man những suy nghĩ muốn nói với cụ. Cụ ơi, không ai tắm hai lần trên một dòng sông, câu đấy nhà triết học lỗi lạc người Campuchia nói chứ không phải con nghĩ ra. Trần Lập bạn con cũng từng viết cái gì mà “Có bước chân đường xa đó, có bước chân trở về. Để hôm qua trôi xa cho ngày qua”. Trở về thì tháng nào con cũng sẽ trở về đưa tiền cấp dưỡng, nhưng cái gì qua rồi thì hãy “để hôm qua trôi xa theo ngày qua” cụ ạ! Cụ đừng lắm chuyện nó mất hay.
Sáng mai chở cụ đi ăn sáng. Dỗ mãi ăn được bát con bún mọc, ăn xong cụ ra giữa sân ngẫu hứng làm ngay một bản múa không biết theo vũ điệu Latinh hay Digan, mà cũng không biết thực ra cụ múa hay nhảy nữa. Thấy chân tay, mông miếc lắc lư loạn cả lên như xoắn quẩy.
Chiều tối về đến nhà gọi điện lại cho cụ. Thút thít trong điện thoại, giọng cụ meo méo:
– Bố ơi! Con nhớ bố! Hu hu!…
Bà cụ non này lắm chuyện quá.