Tôi rất hay nhận được inbox của các bạn trẻ, đa số nhờ đọc và nhận xét về những sáng tác đầu tay của mình. Tôi khá bận nên nói thật chỉ đọc 5 câu đầu, nếu thấy dở là thôi.
Bởi vậy tiện đây tôi có mấy dòng với các bạn vì tôi không thể trả lời riêng cho từng người.
Trước hết, văn chương cũng như nghệ thuật nói chung thuộc về năng khiếu bẩm sinh. Cũng có một số người cả đời không có dấu hiệu nào chứng tỏ sẽ viết hay, đùng một cái xuất thần ra liền vài tác phẩm như diễn viên hài Mạc Can mới đây. Nhưng đừng dại liên hệ với Mạc Can, ở Việt Nam những người như thế rất hiếm hoi.
Nói vậy để các bạn tỉnh táo nhận ra mình là ai và đang ở đâu, đừng vì viết được vài bài thơ đăng báo tường nhân ngày hiến chương các nhà giáo, được con lớp phó phụ trách lao động khen hay, hay mày ạ, sau này mày không thành nhà thơ kể hơi phí, mà nghĩ mình thành đại thi hào đến nơi.
Nếu tự thấy viết lách là đam mê, tôi thành thực khuyên chỉ nên coi nó là thú vui, giống như thú vui câu cá, uống bia hoặc đánh đề. Viên Mai (1716-1797) quê Tiền Đường, đỗ tiến sĩ và làm quan tri huyện. Năm 40 tuổi cáo quan về ở ẩn trên núi Tiểu Thương Sơn ngồi viết 2 câu thơ bất hủ:”Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch. Lập thân tối tiểu thị văn chương”. Hai câu đó hiểu nôm na: mỗi bữa ăn không quên nghĩ đến sử xanh, lập thân hèn kém nhất là bằng văn chương.
“Sử xanh” mà Viên Mai nhắc đến trong câu thơ trên chính là những vụ án văn chương đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa. Nó khiến bao kẻ chùn tay run sợ khi nghĩ đến sự bạc bẽo và nguy hiểm của những người hành nghề phu chữ.
Còn nếu đã coi nó là thú vui, chủ yếu khoe bồ, nịnh vợ, lòe thằng hàng xóm lấy le hoặc câu nai trên phây, các bạn cố gắng đừng bắt chước ai. Văn là người, giọng văn của bạn chỉ có thể là tâm hồn, tính cách và suy nghĩ của riêng bạn. Nếu các bạn bắt chước để giống văn mẫu trong sách giáo khoa hoặc nhại giọng Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp…các bạn chỉ có thể là con vẹt. Người bình thường có thể bị lừa và khen hay, nhưng dân trong nghề liếc qua vài dòng sẽ nhận ra đâu là hàng thật và đâu là hàng fake tàu khựa.
Viết văn cũng như vẽ một bức tranh, luôn để những khoảng trống cho người xem tưởng tượng. Người đọc, người xem chính là những đồng tác giả, không nên sấn sổ nhảy bổ vào giải thích hay cố gắng để làm mọi người hiểu rõ tường tận chi tiết ý đồ người viết. Tôi cho như vậy là vô duyên và cũng là cách hiếp dâm thẩm mỹ độc giả hiệu quả nhất.
Vấn đề nữa, đó là chính tả. Nhiều bạn viết lách đăng báo ầm ầm nhưng tôi xem bản thảo thấy bung bét lỗi lờ cao, lờ thấp, sờ nặng, sờ nhẹ, chờ trâu và chờ chó. Thường gặp lỗi chính tả tôi lập tức ngưng đọc ngay vì dị ứng, nhất là lỗi một cách có hệ thống. Một số bạn hành văn buồn ngủ, tiết tấu chậm chạp, câu từ khuôn sáo…. cũng nên xem lại. Tôi khuyên nên đọc Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp thật kỹ để rút ra kinh nghiệm cho mình. Đọc kỹ không phải để lần sau ăn cắp, mà là để quên nha các bạn!
Các bạn hãy chú ý đến Tô Hoài, bậc thầy diễn đạt, người không bao giờ viết thừa một chữ. Ông cũng là người tôi từng nhiều lần có dịp được tiếp xúc, lắng nghe và học hỏi khi tôi còn ở Hà Nội. Đặc biệt Tô Hoài có sở thích kỳ dị mà tôi rất lấy làm buồn cười, đó là thích đọc thơ nhạt, văn nhạt. Ông bảo chính ra đọc thơ nhạt rất hay, nó giúp mình biết thêm rằng có rất nhiều người nhạt nhẽo, sống nhạt và viết nhạt.
Và cuối cùng, nếu đang hành nghề cài win dạo, chạy xe ôm, kỹ sư thiết kế cầu đường hoặc lái xe cho thủ trưởng… thì các bạn nên tiếp tục công việc của mình. Vợ con, gia đình sẽ thích điều đó hơn là bạn trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.
Như tôi đây, ai hỏi tôi toàn khúm núm khoe “Dạ, cháu chỉ là thằng sửa điện thoại dạo!”. Oai đéo gì nhà văn đâu, hehe.
Kính các bạn!