Chần chừ mãi hôm nay mới trở về thăm lại ngôi nhà cũ, nơi cách đây hơn ba mươi năm mình từng ở trọ khi còn học lớp bồi dưỡng văn của huyện. 

Hồi đó mình đang học lớp 4 thì thi đỗ vào lớp học sinh giỏi văn của huyện. Nhà xa nên nhiều bữa học xong ở trọ luôn tại nhà một bà cụ là chỗ quen biết với gia đình. Những ngày đông giá rét, đến bữa bà vẫn hay kho cá mắm (bé bằng ngón tay) với mật mía và vỏ quýt khô cho mình ăn với cơm. Bữa nào sang hơn thì có món trứng vịt rán lẫn với lạc đã giã nhỏ, ăn thơm và ngon đáo để.

Lớp học sinh giỏi văn khi đó vẻn vẹn 6 trò và một ông thầy tương đối hom hem tên là Phước. Buổi sáng đến lớp, thầy Phước vẫn đạp quả xe đạp Thống Nhất như cái chõng đẻ đến, lôi trong cạp quần ra viên phấn bé tí, viết đúng một câu lên bảng “Em hay tả dòng sông quê em” rồi ném toẹt viên phấn lên bàn, đoạn nhảy tót qua hàng rào vào nhà dân uống nước chè, hút thuốc lào, nói chuyện Mỹ chiến tranh lạnh thế này, Trung Quốc âm mưu lấn chiếm biên giới thế kia, tình hình đại cục nguy cấp lắm… Đợi gần trưa lại nhảy qua hàng rào, hỏi bọn bay mần bài xong chưa! Xong rồi à? Nộp bài đi. Chiều ta học tiếp nha!

Buổi chiều thầy Phước lại đạp quả xe đạp Thống Nhất đến, lôi viên phấn trong cạp quần ra viết đúng một dòng lên bảng “Em hãy tả khu vườn nhà em”, rồi ném viên phấn xuống bàn, tót qua hàng rào vào nhà hàng xóm uống nước chè xanh, hút thuốc lào, nói chuyện Mỹ chiến tranh lạnh thế này, thằng Tàu thâm hiểm thế kia, tình hình đại cục cực kỳ căng thẳng. Đợi hết buổi quay vào lớp hỏi bay mần xong bài chưa. Xong rồi thì thu bài, sáng mai ta học tiếp nha bọn bay! Cả lớp hô vang “dạ”. Hehe!

Không biết có phải nhờ phương pháp giảng dạy siêu việt không giống ai của thầy không, mà sau đó đứa nào đều rất giỏi văn và thành đạt. Ra trường đứa phụ hồ, đứa làm thợ xây, đứa làm hương, đứa buôn sắt vụn, đứa vào Tây Nguyên làm rẫy, đứa sửa điện thoại… đứa nào đứa nấy nghề nghiệp ổn định đâu vào đấy cả.

Mấy chục năm trôi qua, nhiều lần nhớ về chốn cũ vẫn canh cánh trong lòng như ôm một món nợ mãi chưa trả được. Đôi khi vẫn tự dặn lòng, bao giờ công thành, danh toại nhất định sẽ trở về vườn xưa để trèo lên cây khế ngọt sau nhà, ngắm nhìn bể sen cũ kỹ rêu phong, nắm lấy bàn tay nhăn nheo ấy và thì thầm “Bà có còn nhớ cháu không?”

Nhưng rồi thời gian miệt mài trôi qua, chí lớn không thành khiến người ta hèn mọn đi, không dám gặp lại cố nhân dù chỉ một lần.

Hôm nay mùng 3 tết, cùng con gái xuống thăm nhà cụ. Hỏi mấy lần mới tìm được đến nhà. Khung cảnh gần như không thay đổi nhiều. Cái bể sen ở góc vườn vẫn còn đó, xung quanh cỏ lá mọc tơi bời. Cây khế già đã bị đốn ngang gốc, trên thân cây cũ, những chùm hoa tim tím và bé tí đã kịp bung lên. Hỏi bà còn khỏe không. Người con trai cụ buồn bã nói bà mất rồi, mới mất hơn được một tháng nay.

Nghe xong lặng người mất một lúc, không nói nên lời. Mở cửa thắp cho bà nén hương. Móc trong túi ra cái phong bao lì xì đã chuẩn bị trước ở nhà để mừng tuổi bà – lặng lẽ đặt lên bàn thờ. Ôi! Người từng ủ sẵn cơm chờ tôi, từng kho cá mắm với vỏ quýt khô cho tôi ăn, từng hái những quả cam bù chín mọng bắt tôi ăn… đây ư?

Giờ chỉ còn là tấm ảnh lạnh lẽo trước ngọn đèn dầu hiu hắt mà thôi…